PHÁT BIỂU KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG
tại Hội nghị xúc tiến đầu tư của Việt Nam vào Campuchia
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 26 tháng 12 năm 2009
Thưa Ngài Xăm đéc Hun Sen, Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia,
Thưa quý vị và các bạn thân mến,
Hôm nay tôi rất vui mừng cùng Thủ tướng Xăm đéc Hun Sen chủ trì hội nghị xúc tiến đầu tư của Việt Nam vào Cam-pu-chia. Thay mặt Chính phủ Việt Nam, tôi nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Xăm đéc Hun Sen, quí vị và các bạn đã đến dự Hội nghị hôm nay.
Thưa quí vị và các bạn,
Hội nghị của chúng ta diễn ra trong bối cảnh quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống lâu đời, hợp tác toàn diện giữa 2 nước Việt Nam - Cam-pu-chia không ngừng được củng cố và phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Đồng chí Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam vừa kết thúc tốt đẹp chuyến thăm hữu nghị chính thức Cam-pu-chia và Kỳ họp lần thứ 11 Uỷ ban hỗn hợp Việt Nam - Cam-pu-chia về hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật cũng vừa kết thúc tốt đẹp, hai bên đã đạt được nhiều thoả thuận quan trọng, thúc đẩy phát triển mạnh hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác đặc biệt toàn diện giữa 2 nước. Chúng tôi cũng rất vui mừng về kim ngạch thương mại giữa 2 nước thời gian qua tăng nhanh, năm 2008 đạt khoảng 1,7 tỷ USD, tăng khoảng 40% so với năm 2007. Năm 2009, mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng thương mại giữa 2 nước vẫn tiếp tục phát triển khá tốt. Hiện nay, Việt Nam đã có trên 60 dự án đầu tư trực tiếp đang hoạt động tại Cam-pu-chia với tổng số vốn gần 900 triệu USD, Cam-pu-chia xếp thứ 3 trong số 50 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam. Tôi cũng rất mừng là trong một thời gian ngắn, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo hai nước, các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có Tổng Công ty Hàng không, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, VINAFOOD, Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam, Tổng Công ty IDICO, Tổng Công ty Xây dựng Sông Đà... đã triển khai nhiều dự án lớn tại Cam-pu-chia, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân 2 nước.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy rằng kết quả này vẫn còn chưa tương xứng với mối quan hệ chính trị tốt đẹp, với tiềm năng sẵn có cũng như mong muốn của Chính phủ và nhân dân hai nước chúng ta. Lãnh đạo hai nước đã thống nhất cần tiếp tục có các giải pháp, chính sách thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác giữa 2 nước. Trong đó, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại 2 chiều đạt 2 tỷ USD vào năm 2010, tăng nhanh đầu tư của Việt Nam vào Cam-pu-chia (đạt khoảng 6 tỷ USD vào những năm tới).
Tôi hoan nghênh và đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Hội đồng Phát triển Cam-pu-chia (CDC) đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp liên quan của 2 nước chúng ta tổ chức Hội nghị này. Đây là việc làm thiết thực và rất có ý nghĩa trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác đầu tư, thương mại giữa hai nước Việt Nam - Cam-pu-chia.
Trong ngày hôm qua và buổi sáng nay, Tôi vui mừng nhận thấy các cơ quan chức năng và cộng đồng doanh nghiệp của 2 nước đã có dịp trao đổi với nhau những thông tin mới nhất về cơ chế chính sách liên quan đến đầu tư, về các dự án tiềm năng của Cam-pu-chia đang kêu gọi và khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư. Nhiều vấn đề khó khăn vướng mắc đối với việc kinh doanh, đầu tư tại Campuchia cũng như việc đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam đã được lãnh đạo các cơ quan chức năng của 2 bên giải đáp, làm rõ và bước đầu, tháo gỡ. Tôi cho rằng Hội nghị xúc tiến đầu tư của Việt Nam vào Campuchia lần này còn có ý nghĩa khởi đầu cho việc thiết lập một kênh trao đổi thường xuyên giữa Hội đồng Phát triển Campuchia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Tôi cũng vui mừng nhận thấy trong hơn một ngày qua, các doanh nghiệp 2 nước rất tích cực và chủ động tiếp xúc, trao đổi thông tin, tìm hiểu cơ hội và triển khai hợp tác đầu tư kinh doanh trên tất cả các lĩnh vực mà hai bên có nhu cầu nhằm khai thác tốt nhất tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên.
Qua kết quả Hội nghị chuyên đề về đầu tư cấp Bộ trưởng ngày hôm qua và Hội nghị hôm nay, Tôi xin nhấn mạnh một số nội dung nhằm thúc đẩy đầu tư và thương mại hai nước như sau:
1. Tiềm năng hợp tác giữa 2 nước Việt Nam và Cam-pu-chia còn rất lớn và việc hợp tác về đầu tư, thương mại cũng đang có nhiều thuận lợi:
Trước hết là Lãnh đạo và nhân dân 2 nước chúng ta đều mong muốn phát triển toàn diện quan hệ hợp tác giữa 2 nước và hiện nay quan hệ chính trị, ngoại giao giữa 2 nước là rất tốt đẹp, các cấp lãnh đạo thường xuyên thăm viếng nhau, lãnh đạo và nhân dân 2 nước có sự hiểu biết và tin cậy nhau, phối hợp tốt trên các diễn đàn hợp tác khu vực và đa phương, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực phát triển.
Hai là trong những năm qua 2 nước đã ký kết hơn 60 văn bản pháp lý về hợp tác song phương trong hầu hết các lĩnh vực, đồng thời thiết lập những cơ chế phối hợp cần thiết, phù hợp, tạo khuôn khổ pháp lý và điều kiện thuận lợi để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa 2 nước ngày càng phát triển; trong chuyến thăm Cam-pu-chia vừa qua của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, hai bên đã ký thêm nhiều Hiệp định về hợp tác trong lĩnh vực điện, công nghiệp, tài nguyên khoáng sản và Vận tải thủy... tạo thêm khuôn khổ pháp lý và động lực mới thúc đẩy quan hệ hợp tác phát triển giữa hai bên.
Ba là hai nước chúng ta có nhiều tiềm năng, lợi thế có thể bổ trợ cho nhau, hợp tác cùng phát triển. Cam-pu-chia có tiềm năng và nhu cầu hợp tác về sản xuất và chế biến nông lâm sản (chế biến xuất khẩu gạo, trồng và chế biến cao su, mía đường, trồng rừng và chế biến gỗ...), phát triển nguồn và truyền tải điện, hàng không, tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, viễn thông, thăm dò khai thác và chế biến khoáng sản, dầu khí, sản xuất phân bón, năng lượng sạch và xây dựng kết cấu hạ tầng.
Việt Nam có lực lượng doanh nghiệp đông đảo, hiện nay có khoảng 460 nghìn doanh nghiệp, trong đó có trên 100 tập đoàn, tổng công ty lớn; mỗi năm còn thành lập mới thêm khoảng 60-80 nghìn doanh nghiệp; nhiều doanh nghiệp có tiềm lực mạnh về công nghệ, thị trường, tài chính, lao động có tay nghề và kinh nghiệm. Các doanh nghiệp Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và có hiệu quả. Việt Nam đã là thành viên của WTO, có quan hệ thương mại với trên 220 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kim ngạch thương mại của Việt Nam năm 2008 với các nước đạt khoảng 150 tỷ USD, tăng bình quân gần 20%/năm trong suốt 20 năm qua. Năm 2009, mặc dù có nhiều khó khăn do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế nhưng thương mại của Việt Nam với các nước vẫn đạt khoảng 130 tỷ USD. Việt Nam cũng có 457 dự án đầu tư đang thực hiện ở 50 nước và vùng lãnh thổ, với số vốn khoảng 7,2 tỷ USD ; phần lớn các dự án đèu đang được triển khai thành công. Đây là tiềm năng to lớn của các doanh nghiệp Việt Nam mà chúng ta cần khai thác để đẩy mạnh hợp tác đầu tư, thương mại với Cam-pu-chia về các lĩnh vực nêu trên.
Bốn là Việt Nam và Cam-pu-chia là 2 nước láng giềng, có chung đường biên giới dài với trên 70 cửa khẩu trong đó 9 cửa khẩu quốc tế; hai nước cùng là thành viên ASEAN và Tiểu vùng Mê Công - một thị trường rộng lớn, đang kết nối về nhiều mặt, nhất là hạ tầng giao thông trong đó có các Hành lang ven biển phía Nam, Hành lang Đông Tây, đường Xuyên Á... tạo thuận lợi cho việc phát triển thương mại và đầu tư giữa 2 nước và với các nước khác trong khu vực.
2. Hai bên cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho thúc đẩy đầu tư, phát triển thương mại giữa hai nước. Trong đó, khẩn trương rà soát sửa đổi bổ sung các qui định pháp luật đã ký giữa 2 nước cho phù hợp với tình hình mới, nhất là sửa đổi Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư; đồng thời tiến hành đàm phán sớm ký kết các văn kiện pháp lý mới như: Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định hợp tác Lao động, Hiệp định tương trợ tư pháp...
3. Việt Nam chúng tôi đã có nhiều quy định pháp luật và chính sách khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. Chính phủ Việt Nam cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư tại Cam-pu-chia, chúng tôi luôn suy nghĩ rằng thành công của các bạn cũng chính là thành công của chúng tôi.
Chính phủ và các cơ quan chức năng của Việt Nam luôn yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam khi tiến hành đầu tư kinh doanh tại Campuchia phải nghiêm túc tuân thủ những quy định pháp luật của Campuchia cũng như phong tục tập quán của nhân dân Campuchia, góp phần củng cố và tăng cường quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Campuchia, chú ý đến công tác an sinh xã hội, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn đầu tư kinh doanh.
4. Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam tôi xin chân thành cám ơn Chính phủ, Xăm đéc Thủ tướng và nhân dân Campuchia đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư kinh doanh tại Campuchia, mong rằng Chính phủ và nhân dân Cam-pu-chia tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi và giúp đỡ các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư thành công và làm ăn lâu dài ở Cam-pu-chia, đem lại lợi ích thiết thực, góp phần vào sự phát triển phồn vinh của Cam-pu-chia và tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa 2 nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.
5. Tôi xin đề nghị Xăm-đéc Thủ tướng giao cho Hội đồng Phát triển Campuchia (CDC) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam phối hợp chặt chẽ với nhau và thường xuyên làm việc với Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam vào Campuchia để cập nhật tình hình triển khai và cơ hội đầu tư, kịp thời phát hiện và giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai đầu tư, kinh doanh giữa 2 nước.
Thưa Quý vị và các bạn,
Trong bối cảnh kinh tế khu vực và thế giới đang có nhiều khó khăn, việc củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế giữa 2 nước Việt Nam - Cam-pu-chia càng có ý nghĩa. Với sự quan tâm của 2 Chính phủ, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp 2 nước, Tôi tin tưởng rằng, trong thời gian tới các doanh nghiệp 2 nước sẽ tiếp tục có nhiều hợp đồng thương mại được ký kết, nhiều dự án đầu tư được cấp phép và thực hiện thành công và qua đây góp phần thiết thực đưa quan hệ 2 nước phát triển lên tầm cao mới.
Hội nghị của chúng ta đã thành công tốt đẹp.
Chúc Xăm-đéc Thủ tướng đạt được nhiều kết quả tốt đẹp trên cương vị cao cả của mình.
Chúc quí vị và các bạn sức khỏe, hạnh phúc, thành công,
Xin cám ơn./.